NGUYÊN LÝ ĐIỀU KHIỂN VÀ ĐỀ TỪ ACG TRÊN XE MÁY
Trên các dòng xe máy đời mới, đặc biệt là xe tay ga, hệ thống khởi động đã được thay đổi, mô tơ đề thông thường đã được loại bỏ và thay thế vào đó là hệ thống khởi động ACG. Hệ thống này có vai trò kép, vừa có chức năng khởi động động cơ, vừa có chức năng là máy phát điện để cung cấp cho hệ thống điện và sạc lại ắc quy khi xe vận hành. Đây cũng là bộ phận then chốt cấu thành nên hệ thống dừng cầm chừng Idling Stop.
Đề từ - Hệ thống không dùng chổi than như mô tơ truyền thống mà áp dụng theo cơ chế điện từ. Hệ thống sử dụng lực từ sinh ra từ cuộn điện để kéo vô lăng quay nhờ trong vô lăng có các nam châm vĩnh cửu được lắp cố định. Nguyên lí chung của hệ thống này là:
+ Khi ta bấm nút khởi động, ECM sẽ điều khiển đóng rờ le sạc/đề để chuyển trạng thái tiếp điểm, cung cấp một dòng điện lớn từ ắc qui cấp tới ECM.
+ Sau đó ECM sẽ tiếp nhận và đưa điện xuống cuộn dây.
+ Cuộn dây khi nhận điện sẽ biến thành các nam châm điện và sinh ra lực từ (nguyên tắc giống như cuộn dây rờ le).
Việc điều khiển điện 3 pha trong các cuộn dây sẽ được theo dõi thông qua các cảm biến HALL (nằm trong cụm cảm biến CKP). Cảm biến Hall được gắn trên cuộn điện để phát hiện các nam châm vĩnh cửu trên vô lăng khi quét qua nó. Các cảm biến này sẽ gửi tín hiệu liên tục về ECM để giúp ECM xác định được vị trí của các nam châm và thực hiện điều khiển điện 3 pha xuống cuộn dây một cách chính xác.
Để tạo ra từ trường phù hợp giúp cho vô lăng có thể quay được, nguồn điện cung cấp đến các cuộn dây phải thay đổi liên tục và theo một thứ tự thích hợp. Xem hình bên dưới chúng ta có thể thấy thứ tự cung cấp điện ở các cuộn sẽ là C1, B2, A1...từ đó làm cho nam châm sẽ quay theo chiều cùng chiều kim đồng hồ nhờ vào lực hút của các nam châm điện.
Một bộ 6 mosfet sẽ dùng để cung cấp nguồn dương và mass đến 3 đầu dây A, B, C của cuộn 3 pha. Việc điều khiển đóng ngắt các mosfet sẽ do vi điều khiển (chip chủ) quyết định, cuộn nào trong 3 pha được cấp điện còn tuỳ thuộc vào vị trí của vô lăng (do cảm biến CKP báo về).
Như chúng ta thấy, ở hình đầu tiên mosfet số 1 (SW1) và mosfet số 4 (SW4) đóng, điện nguồn sẽ được cung cấp cho pha U và ra pha V về mass.
Lúc này trong 2 cuộn U và V sinh ra từ trường và làm cho nam châm (phần lỗi bên trong) quay. Tiếp theo ở hình phía dưới, lúc này SW1 và SW6 đóng, điện sẽ được cung cấp cho pha U và pha W. Tức là pha U giữ nguyên, điện chuyển từ pha V qua pha W, làm cho từ trường dịch chuyển và tiếp tục kéo vô lăng quay theo.
Ở hình thứ 3, SW3 và SW6 đóng, điện sẽ được cung cấp cho các pha W và pha V, tiếp tục sẽ làm cho vô lăng quay ngược chiều kim đồng hồ. Tương tự ở các vị trí tiếp theo, các công tắc (mosfet) sẽ được điều khiển đóng/ngắt một cách luân phiên và có thứ tự để giúp cho vô lăng quay đúng chiều. Tốc độ điều khiển sẽ quyết định tốc độ quay của vô lăng.
Dòng điện cung cấp cho cuộn điện 3 pha ở các đầu dây A, B, C là điện DC từ ắc qui, thời gian cung cấp là không liên tục và thay đổi giữa từng cặp cuộn nên do đó có dạng như hình sin (gần giống với điện AC)
Việc điều khiển điện 3 pha phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: cảm biến CKP, mạch điều khiển trong ECM, cuộn dây 3 pha, nguồn cấp từ ắc qui, rờ le...
Gọi ngay đến đường dây nóng 1900969612 để được cứu hộ khi xe bạn gặp sự cố, và đừng quên đăng ký thành viên để được ưu tiên ứng cứu.