SAU THỜI GIAN TẠM GIAM PHƯƠNG TIỆN, CẦN GIẤY TỜ GÌ KHI NHẬN LẠI XE
Khi người điều khiển vi phạm giao thông mà bị giữ phương tiện cần nắm rõ các quy định của pháp luật để nhận lại xe.
Việc tham gia giao thông không đúng quy định của pháp luật có thể bị tạm giữ phương tiện trong một số lỗi như không mang giấy phép lái xe, điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, điều khiển xe không gắn biển số…
Cũng theo quy định của pháp luật, việc trả lại phương tiện bị tạm giữ chỉ được thực hiện khi có quyết định bằng văn bản của CSGT. Sau khi có quyết định trả lại phương tiện, người được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản phương tiện sẽ trả lại phương tiện theo trình tự quy định của pháp luật.
Cụ thể, thủ tục trả lại phương tiện bị tạm giữ được thực hiện theo khoản 7 Điều 1 Nghị định 31/2020 (Sửa đổi, bổ sung Nghị định 115/2013) quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.
Bước 1: Kiểm tra quyết định trả lại phương tiện, kiểm tra thẻ CCCD hoặc CMND của người đến nhận.
Lưu ý: Người đến nhận lại phương tiện phải là người vi phạm hoặc chủ sở hữu phương tiện bị tạm giữ.
Bước 2: Yêu cầu người đến nhận lại phương tiện đối chiếu với biên bản tạm giữ để kiểm tra về chủng loại, số lượng, khối lượng, chất lượng, đặc điểm, hiện trạng của phương tiện bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của cán bộ quản lý.
Bước 3: Lập biên bản bàn giao phương tiện bị tạm giữ.
Như vậy, khi đến nhận lại xe bị tạm giữ, người vi phạm cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Quyết định trả lại phương tiện.
- Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân.
Đáng chú ý, bên cạnh việc xuất trình các giấy tờ trên để nhận lại xe bị tạm giữ, người vi phạm còn phải trả chi phí lưu kho, chi phí bến bãi, chi phí bảo quản phương tiện trong thời gian bị tạm giữ.
Theo Tin tức xe máy 24h.