Những cách khắc phục tình trạng chao đảo của xe máy

Nguyên nhân khiến xe chao đảo.

Khi điều khiển xe máy, không phải ai cũng có kiến thức cần thiết trong việc nhận biết tình trạng của phương tiện, nhất là các bạn sinh viên hay chị em phụ nữ. Họ ít quan tâm và chỉ đem ra tiệm sửa chữa khi mức độ hư hỏng khá nặng.

Xe máy đi lâu dần thường xảy ra tình trạng chao đảo là chuyện hết sức bình thường, bởi có thể do: lốp bị thiếu áp suất, cổ lái bị cong, phuộc yếu, vành niềng không cân bằng, mâm cong vênh… Hiện tượng này đặc biệt quan trọng ở dòng xe ga dành cho nữ. Nếu bạn đã từng điều khiển một chiếc xe ga nữ thì khi leo dốc, qua ổ gà, vào những cung đường xấu cảm giác chông chênh, mất thăng bằng, chao đảo gây không ít nguy hiểm và tiềm ẩn rủi ro tai nạn rất cao.

Bên cạnh đó, không phải thợ sửa xe nào cũng được trang bị đầy đủ những kỹ năng trong việc nhận dạng tình trạng hỏng hóc của phương tiện. Đa số làm theo lời kê khai của chủ phương tiện hoặc tư vấn theo cảm nhận cá nhân để rút hầu bao của những chị em ít hiểu biết về kỹ thuật, và trường hợp “ông nói gà, bà đoán vịt” là chuyện hết sức bình thường. Ngay cả khi sửa xong, chỉ cải thiện được một thời gian là xe gặp tình trạng như cũ, tiền mất tật lại mang.


 

Những cách khắc phục tình trạng chao đảo khi đang chạy của xe máy - 60543
Xe máy chao đảo dễ gây tai nạn nguy hiểm cho người điều khiển.


Khắc phục tình trạng xe máy chao đảo trong khi vận hành

Có thể nói phương tiện đi lại thông dụng, tiện lợi nhất của người dân Việt Nam là xe gắn máy. Vào những dịp cuối tuần chúng ta thường thu xếp cho những chuyến đi chơi xa như: về quê, dã ngoại… Tuy nhiên, với tình trạng xe chao đảo tiềm ẩn từ sự hỏng hóc của các bộ phận thì thật sự quá nguy hiểm. Bạn hãy tưởng tượng xem, với những cuộc hành trình dài, xe bon bon trên đường chỉ cần một sự cố đảo xe rất nhỏ cũng khiến xảy ra hậu quả khôn lường ảnh hưởng đến sự an toàn của bạn và người thân.

Vậy, có cách nào giải quyết và khắc phục tình trạng chao đảo ở xe gắn máy ?

- Đối với tình trạng cổ lái bị hỏng thì tiến hành ép chảng ba (bộ trục cổ lái và cặp phuộc trước), thay chén cổ

- Đối với tình trạng bánh trước bị cạ vào chảng ba hoặc dè trước thì tiến hành canh chỉnh lại đúng vị trí

- Riêng trường hợp phuộc trước, phuộc sau yếu, có vấn đề thì có thể phục hồi hoặc nâng cấp bằng phuộc độ

- Khi bị rơ bạc đạn bánh thì nên tiến hành thay mới những bạc đạn bị hỏng

- Đối với tình trạng lốp phù, lốp quá mòn… nên thay mới để tránh các tình trạng xấu xảy ra khi điều khiển

- Đối với tình trạng vành niềng không cân bằng thì cần rút căm lại, trong trường hợp bị hư hỏng cần thay mới

- Đối với tình trạng mâm cong vênh thì bắt buộc phải thay mới, tránh gặp tai nạn nguy hiểm khi lưu thông trên đường

( Nguồn: Internet )