HƯỚNG DẪN VỆ SINH ÁO GIÁP PHƯỢT

Đầu tư trang bị áo giáp khoác đi mô tô là điều bình thường của anh em hay đi tour, đi phượt. Nhưng sau chuyến đi xa đầy bụi bặm, bùn đất thì vệ sinh áo giáp khoác như thế nào cho đúng thì ít ai biết. Bài viết sẽ chia sẽ những bước giặt áo khoác giáp sau để giữ gìn áo khoác giáp bền bỉ và luôn như mới nhé.

PHÂN LOẠI

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại áo giáp khoác. Nhưng nhìn chung, các hãng áo giáp khoác này đều chia sản phẩm của mình thành 2 loại: áo giáp khoác vải (Textile) hoặc áo giáp khoác da (Leather).

Bạn sẽ dễ dàng thao tác mặc hoặc cởi đối với áo khoác giáp bằng vải. Áo giáp vải sẽ thông thoáng và thoải mái cho bạn chạy phố chạy chậm chậm vào thời tiết nóng bức. Bù lại, bề mặt vải lưới có các lỗ nhỏ li ti, dễ bám bụi bẩn.

Ngược lại, áo khoác giáp da sẽ hạn chế bụi bẩn bám dính hơn là áo giáp khoác vải. Người mặc chỉ cần vệ sinh áo giáp khoác bằng cách phủi nhẹ hoặc khăn ẩm lau thì bề mặt da dễ dàng sạch.

HƯỚNG DẪN VỆ SINH

Tần suất sử dụng càng nhiều thì áo khoác giáp sẽ càng dễ bám bụi và dơ. Chưa kể, áo sẽ còn có những mùi khó chịu, làm bạn không tự tin khi giao tiếp. Đừng lo, hướng dẫn vệ sinh áo giáp khoác bên dưới sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này.

Bất kì loại áo khoác giáp nào cũng có 2 lớp bên trong và bên ngoài. Lớp bên trong làm bằng vải mềm, tiếp xúc trực tiếp với da của chúng ta nên êm và hơi dày. Lớp bên ngoài có chất liệu vải cứng hơn, đảm bảo an toàn khi xảy ra nguy hiểm. Lớp bên trong liên kết với ngoài qua khóa kéo Phéc-mơ-tuya.

Bước 1: Đầu tiên, Bạn hãy tháo khóa kéo Phéc-mơ-tuya để tách lớp vải bên trong ra giặt riêng với lớp ngoài áo giáp khoác. Với lớp vải mềm bên trong, bạn có thể giặt tay hoặc dùng máy giặt. Cẩn thận, nhớ gài khóa Phéc-mơ-tuya để tránh làm trầy, hỏng lồng giặt.

Bước 2: Với phần vải bảo vệ bên ngoài, hãy tháo rời các lớp đệm lót ở các bộ phận như cùi chỏ, vai, lưng, ngực… để tránh tiếp xúc với nước. Việc giữ khô ráo các bộ phận này nhằm mục đích giữ nguyên khả năng bảo vệ an toàn của mút lót, tránh biến dạng. Khi tháo những miếng giáp, đệm lót ra ngoài, hãy đánh dấu bằng bút xóa để phân biệt vị trí trái phải của chúng. Điều này sẽ giúp sắp xếp đúng vị trí ban đầu khi gắn vào lại.

Bước 3: Sau khi tháo hết các lớp đệm, phần còn lại sẽ lớp vải lưới đối với áo giáp khoác vải hoặc lớp da đối với áo giáp khoác da. Tùy từng loại mà có cách vệ sinh khác nhau.

Với phần vải lưới, chúng ta có thể ngâm, giặt rửa bằng tay như giặt quần áo thông thường.
Riêng đối với chất liệu da, phải chú ý vệ sinh cẩn thận. Bạn có thể dùng vải mềm thấm dung dịch lau đồ da để làm sạch những vết bẩn. Lưu ý: Nhớ nhẹ tay dù có gặp các vết bẩn cứng đầu nhé!


Bước 4: Phơi thật khô. Lưu ý: tránh phơi đồ da dưới ánh nắng trực tiếp.

Mang phơi các lớp vải đã được làm sạch dưới nắng thật khô.
Đối với phần chất liệu da, hãy dùng vải sạch để lau khô dung dịch hoặc nước vệ sinh ở bước 3 nhé. Sau đó, hãy để nó khô tự nhiên, phơi trong nhà.

Bước 5: Sau khi các bộ phận đã khô ráo, bạn có thể gắn lại các mút lót và hai lớp với nhau. Để áo thơm như mới hãy tận dụng chai xịt khử mùi xịt vào bên trong áo. Áo khoác giáp lúc này đã sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong những chuyến đi tiếp theo.