ĐI XE MÁY ĐƯỜNG DÀI VÀ NGUY CƠ SỨC KHỎE

Xe máy không phải là tàu hay xe giường nằm, do đó cơ thể dễ gặp tình trạng mệt mỏi, không thoải mái, xương khớp sẽ đau nhức trong quá trình di chuyển.

Mùa hè là mùa của du lịch. Những ngày này, các tín đồ của bộ môn xe máy đường dài lại chuẩn bị hành trang cho những chuyến đi xa, để thưởng thức không khí trong lành của thiên nhiên và tận hưởng cảm giác tự do, sảng khoái.

Tuy nhiên, cần lưu ý xe máy không phải là tàu hay xe giường nằm, do đó cơ thể dễ gặp tình trạng mệt mỏi, không thoải mái, xương khớp đau nhức trong quá trình di chuyển. Bên cạnh đó, dưới nền nhiệt tăng cao, di chuyển lâu dưới ánh nắng mặt trời cũng tiềm tàng nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Dưới đây là hai vấn đề mà những người đam mê “phượt” bằng xe máy thường gặp phải cùng với giải pháp phòng tránh và biện pháp xử lý.

1. Nguy cơ say nắng 

Vào thời tiết ngày hè, khi nhiệt độ tăng cao, những hoạt động ngoài trời diễn ra quá lâu đều dẫn đến nguy cơ say nắng cho cơ thể. Đối với những người bị say nắng, nếu nhẹ thì chỉ xuất hiện tình trạng mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, đau đầu,… nặng hơn thì dẫn đến khả năng đột quỵ. Nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn tới ảnh hưởng tới hệ thần kinh, tổn thương đa cơ quan, thậm chí là tử vong.

Đặc điểm chung của bệnh nhân say nắng hoặc say nóng là đều tăng thân nhiệt, có triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương. Bệnh nhân thường tăng thân nhiệt >40 độ C, suy giảm chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp. 

Những dấu hiệu nhận biết cụ thể:

- Các dấu hiệu nhẹ ban đầu: nhịp tim nhanh, thở nhanh, đỏ da (do cơ chế thải nhiệt - giãn mạch dưới da), có thể vã mồ hôi, kèm theo hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn. Chú ý ở người già các dấu hiệu thường kín đáo và không đặc hiệu ở giai đoạn sớm.

- Các biểu hiện nặng hơn nếu không được xử trí kịp thời: tụt huyết áp, rối loạn chức năng thần kinh bao gồm thay đổi tri giác, kích động, mê sảng, lú lẫn, co giật và hôn mê. Khi thân nhiệt tăng quá cao còn gây mất điện giải nặng, rối loạn thăng bằng nội môi, có thể xuất huyết do rối loạn đông máu nặng, nặng hơn nữa là suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.

Giải pháp:

- Khi đi ra ngoài khi nắng nóng, cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi. Chú ý chọn những loại quần áo sáng màu kết hợp với đội mũ rộng vành và sử dụng kem chống nắng.

- Khi di chuyển bằng xe máy liên tục dưới ánh nắng, nghỉ ngơi định kì sau khoảng 45 phút đến 1 tiếng. Thời gian nghỉ là từ 10-15 phút và nên nghỉ ở nơi có bóng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

- Vào ngày hè, nên chọn các thực phẩm mát, rau củ quá chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua..., và uống nhiều nước.

- Sau khi đi nắng về, cơ thể còn nhiều mồ hôi, nhiệt độ cơ thể cao, tuyệt đối không được tắm ngay để tránh nguy cơ đột quỵ do sự thay đổi thân nhiệt đột ngột.

2. Đau lưng mỏi khớp

Việc di chuyển bằng xe máy trong thời gian dài, trong điều kiện giao thông không thuận tiện, thời tiết nắng nóng sẽ gây áp lực lên sức khỏe thể chất và tâm lý. Một số vấn đề gặp phải đối với sức khỏe bao gồm đau lưng, đau đầu, đau chân, đau khớp, mệt mỏi, uể oải, căng thẳng…

Cấu tạo cơ thể con người phù hợp với việc di chuyển, vận động chứ không phù hợp với tư thế ngồi cố định trong thời gian dài. Tư thế này không chỉ gây ứ máu chi dưới, làm phù bắp chân, bàn chân mà còn làm cho các khớp bị cứng, máu sẽ kém lưu thông giữa các phần của cơ thể.

Giải pháp:

- Để giảm đau lưng, mệt mỏi khi lái xe máy đường dài, bạn có thể chườm ấm để giãn cơ, tăng cường lưu thông máu, mang lại cảm giác thư giãn.

- Ngủ đủ giấc cũng là một biện pháp hiệu quả để phục hồi sức khỏe. Cần lưu ý là sức khỏe sau nhiều giờ đi xe đường dài có thể bị ảnh hưởng, cần có quãng thời gian nghỉ ngơi phù hợp sau đó để cơ thể có đủ năng lượng cho những hoạt động tiếp theo.

Trong trường hợp cơn đau kéo dài, bạn nên đến khám ở các bác sĩ chuyên khoa để có giải pháp điều trị phù hợp.

(tuoitre.vn)