SỬ DỤNG ĐÈN PHA ĐÚNG CÁCH

Một trong những lỗi rất nhiều người mắc phải đó là bật đèn pha thường xuyên khi di chuyển trong thành phố. Những tưởng chỉ có chị em phụ nữ không rành rẽ về xe thường hay mắc lỗi này, nhưng không, ngay cả các anh cũng rất thường hay mắc lỗi này và gây không ít khó khăn cho những người đi đường xung quanh.

Hôm nay ZuttoRide xin tổng hợp những thông tin hữu ích về đèn cốt - đèn pha cũng như các mức xử phạt cho lỗi vi phạm giao thông hành chính này.

Phân biệt đèn pha - đèn cốt
Theo điểm d khoản 1 Điều 53 Luật Giao thông đường bộ 2008, một trong những điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới là phải có đủ đèn chiếu sáng gần và xa.

Có thể phân biệt đèn pha - đèn cốt như sau:

- Đèn pha là đèn chiếu xa có cường độ ánh sáng mạnh, chiếu xa hơn và tầm nhìn cao hơn, giúp người điều khiển xe thấy được chướng ngại và các biển báo từ xa.

Chế độ đèn này sử dụng khi đi đường trường, cao tốc, nhưng nhiều người do không hiểu biết hoặc do cố tình muốn gây chú ý nên đã sử dụng sai trong nội thành gây lóa mắt, mất tầm nhìn cho các xe đi ngược chiều, dẫn đến nguy hiểm và các tai nạn giao thông ngoài ý muốn.

- Đèn cốt là đèn chiếu gần, góc chiếu thấp giúp người lái xe quan sát được tình trạng mặt đường trong phạm vi gần, sử dụng khi lái xe tốc độ chậm, trong nội thành, khu dân cư.

Độ sáng và khoảng chiếu sáng của loại đèn này được tính toán kỹ để không gây ảnh hưởng cho xe đi trước hoặc đối diện. Một số nước bắt buộc phải bật đèn xe ngay cả vào ban ngày, chính là để ở chế độ đèn cốt này.

Không bật đèn pha tùy tiện
Việc sử dụng đèn chiếu xa, chiếu gần cũng phải đúng quy định, bảo đảm an toàn chung của người tham gia giao thông. Trong một số tình huống đèn pha có thể là nguyên nhân gây tai nạn giao thông. Do đó lưu ý không được bật đèn pha tùy tiện.

Khoản 12 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 nghiêm cấm trong thời gian từ 22:00 hôm trước đến 5:00 hôm sau, sử dụng đèn pha trong đô thị và khu đông dân cư, trừ các xe được quyền ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Đồng thời, khoản 3 Điều 17 Luật này cũng quy định xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.

Theo đó, hành vi bật đèn pha sai quy định bị xử phạt theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau:

- Đối với người điều khiển xe ô tô: Phạt từ 600.000 đồng - 800.000 đồng nếu sử dụng đèn pha trong đô thị, khu đông dân cư hoặc sử dụng đèn pha khi tránh xe ngược chiều.

- Đối với người điều khiển xe máy: Phạt từ 60.000 đồng - 80.000 đồng nếu sử dụng đèn pha khi tránh xe ngược chiều (điểm g khoản 1 Điều 6); Phạt từ 80.000 đồng - 100.000 đồng nếu sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư (điểm e khoản 2 Điều 6).

Như vậy, quý khách hàng, quý bạn độc giả thông qua bài viết tổng hợp này sẽ phần nào nắm được cách thức sử dụng pha - cốt sao cho hợp lý để tránh bị xử phạt oan uổng cũng như không gây khó cho người đi đường xung quanh khi tham gia lưu thông trên đường.

Và đừng quên, nếu xe của bạn đột ngột bị cháy bóng đèn và không thể di chuyển vào buổi tối vì e ngại Cảnh sát giao thông xử phạt? Đừng ngần ngại hãy gọi ngay cho ZuttoRide qua đường dây nóng 1900969612, chúng tôi sẽ điều động để ứng cứu kịp thời, vận chuyển xe của bạn về nhà an toàn khi xe bị bể bóng.

Thân ái chào tạm biệt.