PHẠT NỒNG ĐỘ CỒN VÀ LOẠT LỖI KHÁC MÀ LÁI XE MÁY DỊP TẾT HAY MẮC PHẢI

Vui Tết, nhiều lái xe máy quên ngay cả việc mình phải chấp hành luật giao thông đường bộ như thế nào. Hậu quả là họ sẽ bị xử phạt nghiêm nếu vi phạm các lỗi sau.
Lỗi thường mắc phải trước tiên có lẽ là lái xe máy khi đã uống rượu bia. Tục lệ uống rượu ở Việt Nam chính xác có từ bao giờ thì chưa ai rõ, nhưng cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về thì không ít người Việt Nam lại cho rằng chén rượu đầu xuân sẽ mang lại nhiều may mắn. Chính vì thế nhiều người dù lái xe máy đi chúc Tết người thân và bạn bè vẫn vô tư uống rượu hoặc khó chối từ các lời mời uống rượu.

Hệ quả là khi tham gia giao thông bằng xe máy, những người này đã vi phạm luật giao thông đường bộ. Theo Nghị định 100, mức xử phạt với người có nồng độ cồn khi lái xe máy dao động từ 2-8 triệu đồng, tùy theo mức nồng độ cồn đo được. Tương ứng với đó, lái xe cũng có thể bị tước bằng lái từ 10-24 tháng.

Một số người có thể nghĩ rằng, ngày Tết vui chút không sao hoặc đây cũng là thời gian lực lượng chức năng không có mặt. Quan niệm đó thật sai lầm, tránh lái xe khi đã uống rượu bia không những tránh bị vi phạm luật giao thông mà còn có thể tránh được các nguy cơ tai nạn đáng tiếc khi lái xe. Không lái xe khi đã uống rượu bia trước hết là an toàn cho chính bản thân mỗi người và cũng như người khác.

Dịp Tết đến cũng là lúc nhiều người quần tụ bên gia đình, một số người lại có tâm lý đi xe máy không cần để ý tới đèn tín hiệu giao thông hay cũng không cần mang theo mũ bảo hiểm. Vì có thể thấy đường vắng vẻ, vì có thể không thấy lực lượng chức năng túc trực ở nhiều địa điểm.

Vi phạm vượt đèn đỏ, theo Nghị định 100, lái xe máy sẽ bị xử phạt từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, và còn bị tước bằng lái từ 01-03 tháng. Việc xử phạt này có thể là xử phạt trực tiếp hoặc gián tiếp (phạt nguội) khi có các hình ảnh, video giám sát làm bằng chứng. Vượt đèn đỏ cũng có thể dẫn tới nguy cơ va chạm giao thông cao, ảnh hưởng tới an toàn của chính người lái xe.

Cùng với hai lỗi trên, các lái xe máy ngày Tết còn có thể hay vi phạm một số lỗi khác. Điển hình như: không đội mũ bảo hiểm sẽ bị xử phạt từ 200-300 nghìn đồng; chở quá tải từ 02-03 người thì phạt từ 200-600 nghìn đồng; không xi nhan, còi khi vượt trước thì sẽ bị xử phạt 100-200 nghìn đồng.

Ngoài ra còn các lỗi hay vi phạm như: đi sai làn đường bị xử phạt từ 400-600 nghìn đồng, đi ngược chiều sẽ bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng, không mang đăng ký xe bị xử phạt từ 100-200 nghìn đồng, và nhiều lỗi khác.

Một lần nữa, như các chuyên gia an toàn khuyến cáo rằng, xử phạt là răn đe nhưng để đảm bảo an toàn thì bản thân mỗi người lái xe phải nâng cao ý thức. Tránh vi phạm các lỗi giao thông sẽ mang lại những điều tốt đẹp hơn cho chính người tham gia giao thông trong năm mới.

Theo nongthonviet