THỦ TỤC ĐĂNG KÝ XE MÁY MỚI 2020
Sau khi mua xe máy từ cửa hàng bán xe, việc cần làm ngay sau đó để được lưu thông xe trên đường hợp pháp là phải tiến hành thủ tục đăng ký xe.
Thông thường, khách hàng sẽ ủy quyền cho cửa hàng bán xe làm thủ tục đăng ký thay và tốn thêm 1 khoản chi phí nhất định .
Bài viết dưới đây sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn quy trình và chi phí đăng ký xe máy mới 2020 như thế nào nhé.
Bước 1: HOÀN THÀNH VIỆC MUA BÁN XE TẠI ĐẠI LÝ
- Lựa chọn xe tại đại lý /cửa hàng xe máy phù hợp với tài chính của bạn
- Thực hiện thanh toán
- Đại lý/ cửa hàng xe máy sẽ xuất hóa đơn GTGT theo thông tin của chủ xe ( mang theo CMND & Sổ hộ khẩu ) và gửi kèm Phiếu kiểm tra chất lượng xe khi xuất xưởng
Ở bước này, bạn cần kiểm tra kỹ các thông tin in trên hoá đơn, bao gồm giá trị xe và thuế GTGT.
Bước 2: ĐÓNG THUẾ TRƯỚC BẠ
Sau khi hoàn tất việc mua xe tại Đại lý/Công ty bán xe, bạn cần tới trụ sở Chi cục Thuế Quận/Huyện nơi thường trú để đóng thuế trước bạ cho xe.
Những giấy tờ cần chuẩn bị đầy đủ (Bản gốc):
- Hoá đơn GTGT.
- Phiếu kiểm tra chất lượng của xe khi xuất xưởng.
- Căn cước công dân/CMND.
- Hộ khẩu.
*Lưu ý: Để quá trình đóng thuế trước bạ được diễn ra nhanh chóng, bạn nên photo sẵn các giấy tờ kể trên trước khi tới cơ quan thuế.
Tại trụ sở Chi cục Thuế Quận/Huyện, cán bộ thuế sẽ phát cho bạn Giấy khai đóng thuế trước bạ. Bạn cần điền đầy đủ thông tin và tuyệt đối chính xác về chiếc xe của mình. Sau khi đã điền xong thông tin, đưa trả Giấy khai lại cho cán bộ quản lý và chờ gọi tên để đóng tiền. Kết thúc quá trình này, bạn sẽ nhận được một biên lai đóng lệ phí trước bạ cho ngân sách nhà nước.
Chi phí đóng thuế trước bạ:
- Đối với xe máy mới đăng ký biển số ở các Tỉnh/Thành thuộc trung ương, mức phí đóng thuế trước bạ là 5% trên tổng số tiền in trên hoá đơn (đã bao gồm thuế GTGT).
- Đối với xe máy mới đăng ký biển số ở các Tỉnh/Thành không thuộc trung ương, mức phí đóng thuế trước bạ là 2% trên tổng số tiền in trên hoá đơn (đã bao gồm thuế GTGT).
Bước 3: ĐĂNG KÝ XE
Sau khi đã tiến hành nộp đầy đủ thuế trước bạ, bạn cần mang xe tới trụ sở CSGT Quận/Huyện nơi thường trú để tiến hành làm thủ tục đăng ký xe.
Những giấy tờ cần chuẩn bị (Bản gốc):
- Hoá đơn GTGT.
- Phiếu kiểm tra chất lượng của xe khi xuất xưởng.
- Căn cước công dân/CMND.
- Hộ khẩu.
- Biên lai đóng thuế trước bạ.
Tại đây, các cán bộ cảnh sát sẽ phát cho bạn tờ khai thông tin xe, tương tự như tại Chi cục Thuế, nhiệm vụ của bạn là tiếp tục điền đầy đủ thông tin và tuyệt đối chính xác về chiếc xe của mình vào tờ khai. Chú ý, riêng phần số khung và số máy bạn để trống vì phần này cán bộ cảnh sát sẽ ghi.
Bước 4: CÀ SỐ KHUNG - SỐ MÁY
Cà số khung và số máy là một bước khá đơn giản. Bạn cần chuẩn bị 2 tờ giấy trắng hoặc decal nhỏ, dán đè lên phần số khung và số máy đã được dập sẵn của xe. Sau đó, dùng bút chì tô lên và số khung, số máy của xe sẽ hiện lên.
Bước 5: BẤM BIỂN SỐ (Tự động)
Hoàn thành việc cà số khung, số máy. Bước tiếp theo, bạn mang toàn bộ giấy tờ liên quan tới đưa cho cán bộ cảnh sát phụ trách, chờ gọi tên. Cán bộ cảnh sát sẽ kiểm tra lại thông tin bạn điền trên tờ khai, thông thường quá trình này diễn ra khá nhanh. Tiếp đó, cán bộ cảnh sát sẽ cho bạn tiến hành bấm biển số trên máy tính theo dãy số ngẫu nhiên.
Bước 6: NỘP LỆ PHÍ CẤP BIỂN
Sau khi toàn tất việc bấm biển số, bước tiếp theo bạn cần hoàn thành là đóng lệ phí cấp biển.
Chi phí nộp lệ phí cấp biển:
- Đối với xe máy mới đăng ký biển số tại KV1 gồm Hà Nội và TP.HCM:
- Xe có giá trị dưới 15 triệu đồng, mức phí quy định là 500 nghìn đồng tại Hà Nội và 1 triệu đồng tại TP.Hồ Chí Minh;
- Xe có giá trị từ 15 - 40 triệu đồng, mức phí quy định là 2 triệu đồng;
- Xe có giá trị trên 40 triệu đồng, mức phí quy định là 4 triệu đồng.
- Đối với xe máy mới đăng ký biển số tại KV2( Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và các thành phố trực thuộc tỉnh và các thị xã ) là 400 - 800 nghìn đồng.
- Tại KV3( những nơi còn lại ) là 50 nghìn đồng.
Hoàn tất quá trình đóng lệ phí cấp biển, cán bộ cảnh sát sẽ đưa trả bạn biển số xe kèm theo giấy hẹn lấy Giấy đăng ký xe.
Thời gian giải quyết việc cấp Giấy đăng ký xe máy mới sau khi đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục là 2 ngày làm việc.
THỜI HẠN ĐĂNG KÝ XE
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 15/2014/TT-BCA :
“Điều 6. Trách nhiệm của chủ xe
1. Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đăng ký xe; có hồ sơ xe theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của xe và hồ sơ đăng ký xe; đưa xe đến cơ quan đăng ký xe để kiểm tra và nộp lệ phí đăng ký, cấp biển số xe theo quy định.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có quyết định điều chuyển, thay đổi địa chỉ hoặc bán, cho, tặng xe, tổ chức, cá nhân bán, cho, tặng, điều chuyển phải gửi thông báo theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này đến cơ quan đang quản lý hồ sơ xe đó để theo dõi; trường hợp sang tên mô tô khác huyện trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì đến cơ quan đăng ký xe nơi chủ xe cư trú hoặc có trụ sở để làm thủ tục sang tên xe.
3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc bán xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe.
4. Nghiêm cấm mọi hành vi giả mạo hồ sơ, đục xóa số máy, số khung để đăng ký xe."
Như vậy, sau khi mua xe bạn phải thực hiện nộp thuế trước bạ trong vòng 10 ngày và đi đăng ký xe trong vòng 30 ngày.
XE CHƯA BIỂN SỐ CÓ ĐƯỢC LƯU THÔNG ?
Trong thời gian chờ cấp giấy tờ và biển kiểm soát thì chủ xe sẽ không được phép điều khiển xe tham gia giao thông, trừ khi phương tiện đó thuộc các trường hợp phải đăng ký tạm thời được quy định tại Điều 16 của Thông tư 15/2014/TT-BCA.
Trường hợp xe máy mua mới của bạn không đăng ký tạm thời, nếu bạn sử dụng xe để đi lại, xe của bạn chưa có giấy đăng ký cũng như biển số là vi phạm luật và sẽ bị CGST xử phạt 2 lỗi này.
Mức phạt dành cho lỗi điều khiển phương tiện giao thông không có giấy đăng ký và không có biển số được quy định tại Điều 16 và Điều 17 Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau:
Đối với xe máy:
- Phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có giấy đăng ký xe theo quy định.
- Phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng đối với người điều khiển môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số).
Đối với ôtô:
- Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng và tước GPLX 1-3 tháng đối với người điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe, đăng ký rơ-moóc hoặc sơ-mi rơ-moóc theo quy định.
- Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng và tước GPLX 1-3 tháng đối với người điều khiển xe xe không gắn biển số (đối với loại xe có quy định phải gắn biển số).
Ngoài ra, đối với ôtô, nếu xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng thì người điều khiển sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đến 1 triệu đồng.