10 THÓI QUEN XẤU THƯỜNG GẶP GÂY NGUY HIỂM CHO NGƯỜI LÁI XE

Nhiều người khi lái xe máy tham gia giao thông thường có những thói quen xấu, điều nay không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn làm ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác.

Cùng ZR điểm qua những thói quen nào mà người lái xe hay vi phạm nhất trong bài viết này nhé.

1. KHÔNG CHẤP HÀNH ĐÈN TÍN HIỆU GIAO THÔNG VÀ BIỂN BÁO, VẠCH KẺ ĐƯỜNG

Đây là một vấn đề rất dễ gặp ở bất kỳ một người điều khiển xe máy nào khi tham gia giao thông. Hầu hết những người lái xe máy đều có ít nhất một lần không chấp hành đèn tín hiệu giao thông, không tuân thủ biển báo vạch kẻ đường. Đây là một hành vi gây nguy hiểm cho cả bản thân cũng như cho các phương tiện tham gia giao thông khác khi mà không ai có thể đoán trước được người đi xe máy sẽ hành động như thế nào khi gặp đèn tín hiệu hay biển cảnh báo.

VƯỢT ĐÈN ĐỎ

Câu chuyện vượt đèn đỏ không còn mới, nhưng chưa bao giờ cũ ở Việt Nam. Ý thức giao thông quá kém của một bộ phận không nhỏ người điều khiển xe máy đã gây ra nhiều tai nạn thảm khốc, nhưng dường như vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh.

2. THIẾU QUAN SÁT KHI THAM GIA GIAO THÔNG

Người điều khiển xe máy tại Việt Nam không có thói quen quan sát khi tham giao thông - đặc biệt là mỗi khi chuyển hướng.Đây cũng là một thói quen xấu của người điều khiển xe máy tại Việt Nam.

RẼ NGAY SAU KHI VỪA BẶT ĐÈN XI-NHAN

Người đi xe máy ở Việt Nam quên một bước, thậm chí còn quan trọng hơn cả việc xi-nhan đó là quan sát.

Sau khi xi-nhan, điều bắt buộc là người lái xe phải quan sát xem liệu xe phía sau có nhường đường cho mình đổi hướng hoặc có trở ngại gì cản trở không.

Tuy nhiên, rất hiếm người Việt Nam thực hiện điều này khi rẽ. Điều này dẫn tới những pha "vuốt mặt ô tô" nguy hiểm chết người mà chúng ta vẫn chứng kiến trên đường phố hàng ngày.

CHUYỂN HƯỚNG KHÔNG XI-NHAN/ BÁO HIỆU

Lại quay lại với đặc điểm nhỏ gọn, dễ luồn lách. Người điều khiển xe máy cũng sẽ dễ quên việc thay đổi vị trí của mình khi lưu thông. Không chỉ là đổi làn đường hay rẽ, việc thay đổi vị trí trong làn đường cũng cần ra hiệu để tránh xung đột với các phương tiện xung quanh.

DỪNG XE ĐỘT NGỘT

Một lợi thế của xe máy so với ô tô khi lưu thông trong đô thị là chiếm ít không gian.

Do đó mà người điều khiển xe máy, cũng sẽ dễ dàng cho mình "quyền" dừng đột ngột mà không báo trước, ở bất cứ không gian nào.

Ngược lại, với ô tô, khối lượng và quán tính lớn khiến những chiếc xe 4 bánh không thể đột ngột dừng lại ngay lập tức như xe máy.

Do đó mà có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra xuất phát từ việc những chiếc xe máy bất chợt dừng lại giữa đường.

3. CHẠY XE VÀO LÀN ĐƯỜNG OTO

Đặc điểm cơ bản của 2 loại phương tiện này là rất khác nhau. Ô tô chiếm nhiều không gian, có vận tốc cao hơn và cũng khó để dừng lại hơn. Những chiếc xe máy di chuyển trong làn đường của ô tô gây cản trở rất nhiều cho tài xế ô tô, đồng thời cũng đối mặt với nguy cơ tai nạn cao do ô tô bị khuất tầm nhìn.

4. CHẠY XE DÀN HÀNG NGANG

Chuyện dàn hàng ngang đã là câu chuyện ý thức từ thời xe đạp còn đang là phương tiện phổ biến, nhưng không có thay đổi gì cho tới hiện tại. Dàn hàng ngang không những cản trở giai thông, gây ùn tắc mà còn khiến người điều khiển xe máy đối mặt với nguy cơ va chạm trực diện với phương tiện di chuyển ngược chiều.

5. SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI KHI LÁI XE

Có lẽ không cần phải nói quá nhiều về tác hại của thói quen nguy hiểm này. Chỉ một chướng ngại vật đơn giản hay một ổ gà trên đường cũng có thể khiến những người vừa đi xe vừa nghe điện thoại gặp tai nạn nghiêm trọng.

6. SỬ DỤNG MŨ BẢO HIỂM KHÔNG ĐẠT CHẤT LƯỢNG

Người đi xe máy tại Việt Nam hầu hết đều sử dụng mũ bảo hiểm không đủ tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn cho bản thân khi có tình huống xấu xảy ra. Với những loại mũ bảo hiểm ko đảm  bảo chất lượng được bán tràn lan với giá rẻ thì chỉ có tác dụng duy nhất là để đối phó với cơ quan chức năng khi kiểm tra, còn giá trị an toàn để bảo vệ người đi xe máy là hầu như không có.

7. SỬ DỤNG ĐÈN XE KHÔNG ĐÚNG

Đèn xe máy được chia ra làm ba loại: đèn xi-nhan  báo rẽ, đèn hậu báo phanh và đèn chiếu sáng (bao gồm đèn chiếu xa và đèn chiếu gần). Thế nhưng nhiều người tham gia giao thông lại không phân biệt được hoặc cho rằng không cần phải phân biệt giữa đèn chiếu xa và đèn chiếu gần - miễn sao có bật đèn và sáng nhất có thể là được. Do đó, nhiều lái xe di chuyển trong đường nội đô vẫn để cả đèn chiếu xa gây khó chịu và giảm tầm nhìn cho những người đi phía trước.

8. KHÔNG ĐẢM BẢO KHOẢNG CÁCH AN TOÀN VỚI CÁC PHƯƠNG TIỆN KHÁC

Trong tham gia giao thông, người lái xe máy là đối tượng sử dụng xe cơ giới ít được bảo vệ nhất trước các tác động bên ngoài. Thế nhưng nhiều người lái xe máy lại có thói quen đi gần hoặc đôi khi là tạt đầu các phương tiện giao thông cỡ lớn khác như xe tải, xe ben, xe container hay xe buýt.

Với các phương tiện cỡ lớn, tầm nhìn sẽ rất hạn chế vì nhiều điểm trên thân xe. Nếu không giữ khoảng cách an toàn, người lái xe máy có thể rơi vào điểm mù của người lái xe to và xảy ra những va chạm đáng tiếc do không thể quan sát được. Ngay cả trong những tình huống mà các xe cỡ lớn đang lùi hoặc quay đầu, nhiều người lái xe máy còn cố gắng luồn ra phía sau xe để đi trước và không ít vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra.

Những vụ tai nạn thương tâm giữa xe máy với các loại phương tiện cơ giới cỡ lớn trong suốt thời gian qua chính là bài học cho những người điều khiển xe máy.

9.NGƯỜI LÁI XE CÓ SỬ DỤNG RƯỢU BIA

Đây là một vấn đề mà nhiều người tham gia giao thông tại Việt Nam mắc phải không chỉ ở xe máy mà còn cả ở ô tô. Chính vì thế, bên cạnh việc lên án hành vi sử dụng rượu bia trước khi lái xe đối với phương tiện xe ô tô thì ngay cả những người đi xe máy cũng cần phải nhớ rằng "đã uống rượu bia, thì không lái xe" để bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như cho người khác.

10. XẢY RA VA CHẠM :" XE TO ĐỀN XE BÉ"

"Xe to đền xe bé" dường như là một quy định bất thành văn trong tham gia giao thông tại Việt Nam. Trong những tình huống va chạm giữa ô tô và xe máy thì bất kể trường hợp nào cũng có thể khiến người điều khiển ô tô gặp nhiều vấn đề khi giải quyết bởi tâm lý xe to phải nhường xe bé của nhiều người dân Việt Nam. Chính điều này cũng đã phần nào gây ảnh hưởng đến sự yên tâm khi cầm lái của các chủ xe ô tô.